NHỮNG THỬ THÁCH KHẨN CẤP CỦA VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI

HUY ĐỘNG TÀI CHÍNH QUA THỊ TRƯỜNG CÁC-BON: THỰC TRẠNG, KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VÀ KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH CHO VIỆT NAM

1. Mở đầu

Bên cạnh thuế các-bon (các-bon tax), thị trường các-bon là công cụ định giá các-bon hữu hiệu hỗ trợ hoạt động giảm phát thải khí nhà kính. Trong đó, hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS= Emission Trading System) đã được nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ và chính quyền đô thị xây dựng và vận hành. Để hình thành thị trường các-bon cần dựa vào các yêu cầu chính sau đây:

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có quy định về tổ chức và phát triển thị trường các-bon. Theo đó, quy định thị trường các-bon tuân thủ trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc danh mục được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính và có quyền trao đổi, mua bán trên thị trường các-bon trong nước.

Để cụ thể hóa quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Chính phủ đã ban hành lộ trình phát triển (Nghị định 06/2022/NĐ-CP). Thời điểm triển khai thị trường các-bon tuân thủ trong nước, gồm 2 giai đoạn:

– Giai đoạn từ nay đến hết năm 2027: tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế; thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon kể từ năm 2025; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức; quy định nguyên tắc các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon trên thị trường cũng như việc tổ chức vận hành thị trường các-bon trong nước;

– Giai đoạn từ năm 2028: tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon chính thức; quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ các-bon trong nước với thị trường các-bon các nước trong khu vực và thị trường các-bon thế giới.

Nhằm thúc đẩy việc phát triển thị trường các-bon trong nước, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam (Tờ trình số 222/TTr-BTC), trong đó đề ra các nhiệm vụ cụ thể cho các giai đoạn 2023 – 2024, 2025 – 2027 và từ năm 2028 trở đi, phân công nhiệm vụ cho từng cơ quan và doanh nghiệp từ hoàn thiện pháp lý, hạ tầng, nhân lực, tổ chức vận hành…

Để có thêm thông tin, ví dụ về thực trạng phát triển cũng như kinh nghiệm xây dựng và vận hành thị trường các-bon trên thế giới, bài viết này có mục đích cập nhật thông tin, số liệu giao dịch tín chỉ các-bon trên thị trường tuân thủ và thị trường tự nguyện và ví dụ về quá trình thiết lập, vận hành thị trường các-bon của châu Âu (EU ETS), của Hàn Quốc (K-ETS) và của Trung Quốc trước khi đưa ra một số khuyến nghị chính sách về phát triển thị trường các-bon ở Việt Nam.

2. Thực trạng thị trường các-bon trên thế giới

2.1. Các yếu tố để phát triển thị trường các-bon trên thế giới

Hiện nay, trên thế giới thị trường các-bon được chia làm 02 loại chính:

– Thị trường bắt buộc hay còn gọi là thị trường tuân thủ: là thị trường mà việc mua bán tín chỉ các-bon dựa trên cam kết của các bên tham gia Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) để đạt được mục tiêu giảm khí nhà kính. Thị trường này mang tính bắt buộc và chủ yếu dành cho các dự án thực hiện theo cơ chế phát triển sạch (CDM) ở giai đoạn trước năm 2021, Cơ chế phát triển bền vững (SDM) hoặc đồng thực hiện (JI).

– Thị trường tự nguyện, dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia. Bên mua tín chỉ các-bon tham gia vào các giao dịch trên cơ sở tự nguyện để đáp ứng các chính sách về môi trường, xã hội và quản trị (ESG: Environment- Social-Governance) để giảm dấu chân các-bon.

Để xây dựng và vận hành thị trường các-bon hiệu quả thường liên quan đến nhiều yếu tố, nhưng 4 yếu tố quan trong sau đây cần phải thực hiện, cụ thể gồm:

– Xác định mức trần và phạm vi phát thải: Về mặt lý thuyết, mức trần này nên được xác định khi chi phí biên của việc giảm phát thải bằng với lợi ích biên của việc giảm phát thải. Trên thực tế, mức trần được xác định dựa trên mục tiêu giảm phát thải mà mỗi quốc gia, mỗi tổ chức đã đặt ra. Các nhà hoạch định chính sách sẽ dựa vào “điểm đường cong chi phí”. Đó là thời điểm chi phí cho mỗi đơn vị giảm phát thải bắt đầu tăng nhanh. Ngoài việc xác định mức trần phát thải, thị trường quyền phát thải khí cũng cần xác định lượng khí thải nào sẽ được mua bán? Có phải chỉ giao dịch CO2 – nguyên nhân chính gây ra hiệu ứng nhà kính? Ngoài khí thải CO2, khí mêtan (CH4) và N2O cũng liên quan đáng kể đến hiệu ứng nhà kính nhưng cho đến nay, hai loại khí này vẫn chưa được xem xét. Vì vậy, song song với việc mua bán quyền phát thải CO2, cần phải đưa 2 loại khí CH4 và N2O này ra thị trường. Phạm vi ngành cũng là một yếu tố cần được xem xét. Do các vấn đề liên quan đến việc đo lường lượng phát thải khí nhà kính, việc xây dựng thị trường mua bán khí thải có thể bắt đầu từ các lĩnh vực phát thải lớn như ngành điện hoặc các ngành công nghiệp lớn và sử dụng nhiều năng lượng.

– Phân bổ quyền phát thải: Một yếu tố rất quan trọng khác đối với thị trường quyền phát thải là việc phân bổ quyền phát thải trong tổng mức trần. Việc quyết định phương pháp phân bổ mang tính chính trị cao vì đây là loại tài sản có giá trị và khan hiếm, có ý nghĩa đối với các nhóm lợi ích khác nhau. Nếu quyền phát thải là miễn phí thì có thể sử dụng hai phương pháp phân bổ, bao gồm định lượng quyền phát thải dựa trên lượng phát thải trong quá khứ (grandfathering) hoặc xác định số lượng quyền phát thải dựa trên thước đo hiệu suất phát thải được xác định cho một ngành, nhóm sản phẩm hoặc đơn vị của đầu ra (điểm chuẩn). Việc phân bổ quyền phát thải dựa trên phương pháp “grandfathering” tương đối dễ dàng vì nó chỉ yêu cầu dữ liệu phát thải lịch sử. Nhược điểm của “grandfathering” là ai gây ô nhiễm nhiều nhất sẽ được hưởng quyền phát thải nhiều nhất.

– Ổn định giá và kiểm soát chi phí: Ưu điểm của thị trường mua bán quyền phát thải là tính hiệu quả về mặt chi phí so với các công cụ chính sách khác và tính linh hoạt mà nó mang lại cho người phát thải trong việc đưa ra quyết định về thời điểm và thời điểm thực hiện điều đó. Tuy nhiên, đối với bất kỳ thị trường nào, đặc biệt là thị trường các-bon, nơi chính trị, khối lượng giao dịch và tính thanh khoản thấp, biến động giá cả và các điều kiện khắc nghiệt có thể làm giảm hiệu quả của thị trường. Có một số công cụ có thể ổn định thị trường, kiểm soát giá các-bon và giảm chi phí mua bán quyền phát thải. Những công cụ này bao gồm quyền phát thải khí dự trữ, quyền phát thải khí vay, giá sàn, giá trần và bù trừ.

– Hoạt động giám sát và cơ chế thực thi: Thị trường quyền phát thải tạo ra những tài sản mới và có giá trị – quyền phát thải, nhưng những tài sản này chỉ có giá trị kinh tế vì chúng được quản lý. Do đó, để đảm bảo thị trường hoạt động đáng tin cậy, các cơ quan quản lý phải đảm bảo độ chính xác trong việc đo lường lượng phát thải, kiểm tra và báo cáo thực tế (gọi tắt là các hoạt động giám sát, báo cáo và xác minh (MRV). Ngăn chặn gian lận là quan trọng không chỉ đối với hoạt động của thị trường mà còn đối với Việc thiết lập hệ thống MRV để theo dõi việc thực hiện và đáp ứng các yêu cầu giảm phát thải của mỗi doanh nghiệp là nhằm đảm bảo rằng mỗi tấn giảm khí nhà kính là chính xác. Quá trình này phải được báo cáo cho các cơ quan liên quan để đảm bảo hệ thống kiểm soát chất lượng đảm bảo tính toàn vẹn của môi trường. đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn đã được thiết lập, có thể được kiểm toán và xác minh bởi các thanh tra Chính phủ hoặc một tổ chức tư nhân độc lập bên thứ ba độc lập, tham gia cung cấp chứng nhận khí thải của công ty.

2.2. Hiện trạng phát triển thị trường các-bon trên thế giới

Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (World Bank) đến tháng 3 năm 2024 trên thế giới hiện có 104 địa điểm áp dụng công cụ định giá các-bon, trong đó có 37 nơi áp dụng thị trường mua bán tín chỉ phát thải (ETS), 38 nơi áp dụng thuế các-bon và 29 nơi áp dụng cơ chế tín dụng chính phủ (Government Crediting Mmechanisms). Giá tín chỉ các-bon hay 1 tấn CO2 đang có mức khác nhau tùy thuộc vào thị trường, nhưng giao động trong khoảng 1,07 US$ – 96,29 US$. Điều này cho thấy chế lệch giá tín chỉ các-bon rất lớn. Ví dụ, tại thị trường châu Âu (hệ thống EU ETS) có mức gia cao nhất đạt 96,29 US$/tCO2e, trong khi đó giá thấp nhất là 1,07 US$/tCO2e ghi nhận tại Saitama ETS (Chi tiết về giá tín chí các-bon tại một số thị trường các-bon ETS được thể hiện trại Hình 1).

Hình 1. Định giá các-bon tại các thế trường trên thế giới

Năm 2023, thế giới đã ghi nhận mức tăng lớn nhất được ghi nhận tại Thị trường EU ETS liên kết với ETS của Thụy Sĩ, với giá ETS của EU lần đầu tiên vượt quá 109 USD vào tháng 3 năm 2023. Ngược lại, nhiều ETS đã chứng kiến giá giảm, trong đó ETS Hàn Quốc đã giảm đến 35%. Chi tiết được thể hiện tại Hình 2.

Theo Sở Giao dịch chứng khoán Lôn Đôn (London Stock Exchange Group- LSEG), giá trị giao dịch trên thị trường toàn cầu về tín chỉ các-bon (CO2) đã đạt mức kỷ lục 948,75 tỷ USD vào năm 2023 (tăng 2% so với năm 2021).

Hình 2. Biểu đồ biến động giá tín chỉ các-bon tại một số thị trường

Theo báo cáo Hiện trạng thị trường các-bon tự nguyện năm 2023 do Ecosystem Marketplace công bố số lượng tín chỉ các-bon trong năm được thương mại giảm 51% so với năm 2021 nhưng giá lại tăng từ 4,04 USD năm 2021 lên 7,37 USD trong năm 2022 (Tăng khoảng 82%). Trên thị trường các-bon tự nguyên, tín chỉ các-bon được tạo lập từ các giải pháp dựa vào tự nhiên (NbS) thường có giá giao dịch cao hơn. Số lượng tín chỉ các-bon từ các dự án lâm nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp chiếm khoảng 46% tổng số tín chỉ được giao dịch.

3. Kinh nghiệm thiết lập và vận hành thị trường các-bon của một số quốc gia

3.1. Kinh nghiệm của Châu Âu

Thị trường giao dịch phát thải của Liên minh châu Âu (EU ETS) là thị trường đa quốc gia lớn nhất thế giới, được thiết lập và vận hành qua 4 giai đoạn:

– Giai đoạn I (2005- 2007)- đây là giai đoạn thử nghiệm sau khi Nghị định thư Kyoto chính thức có hiệu lực. Đây là giai đoạn vừa triển khai vừa học hỏi để chuẩn bị cho giải đoạn 2- khi mà EU ETS phải vận hành một cách hiệu qua để đạt được mục tiêu đề ra trong Nghị định thứ Kyoto. Giai đoạn này việc trao đổi hạn ngạch phát thải chỉ bao gồm nguồn phát thải khí nhà kính các nhà máy nhiệt điện và các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lương. Gần như toàn bộ hạn ngạch phát thải được phân bổ miễn phí, nếu vượt quá hạn mức phát thải thì sẽ chịu mức phạt 40 EURO chỗ mỗi 1 tấn CO2 tương đương. Kết quả chính của giai đoạn I là đã thiết lập được mức giá các-bon; trao đổi tự do hạn ngạch đã được phân bổ trên toàn bộ Liên minh châu Âu; hình thành cơ sở hạ tầng cần thiết để giám sát, báo áo và thẩm tra phát thải từ các ngành, lĩnh vực bắt buộc phải giảm phát thải.

Việc thiêu số liệu phát thải có độ tin cậy cáo, việc phân bổ hạn ngạch phát thải chủ yếu dựa vào việc ước tính. Do đó, tổng lượng phân bổ đã vượt quá lượng phat thải vì vậy cung đã vượt cầu hay nói cách khác lượng hạn ngạch phân bố cho các bên liên quan vượt quá nhu cầu sử dụng, trao đổi. Điều này dẫn đến giá các-bon giảm đến mức 0 EURO vào năm 2007 (Hạn ngạch phân bổ trong giai đoạn 1 không thể chuyển sang giai đoạn tiếp theo để sử dụng).

– Giai đoạn II (2008-2012) đây là giai đoạn trùng với cam kết thứ nhất của Nghị định thư Kyoto. Theo đó, lượng hạn ngạch phân bổ thấp hơn khoảng 6,5% so với mức đã phân bổ năm 2005 và có 3 quốc gia mới tham gia EU ETS gồm Iceland,  Liechtenstein và Na Uy. Trong giai đoạn này 90% hạn ngạch phát thải được phân bổ miễn phí. Tuy nhiên, một số quốc giai đã thực hiện việc đấu giá hạn ngạch phát thải và mức phạt là 100 EURO chỗ mỗi tấn CO2 tương đương nếu vượt quá hạn mức phát thải đã được phân bổ. Các doanh nghiệp cũng được phép mua tin chí các-bon quốc tế với khoảng 1,4 tỷ tấn CO2 tương đương. Trong giai đoạn này hệ thống đăng ký của liên minh đã thay thế hệ thống đăng ký quốc gia và nhật ký giao dịch của Liên minh châu Âu (EUTL) thay thế cho nhật ký giao dịch độc lập (CITL). Lĩnh vực hàng không cũng bắt buộc tham gia EU ETS từ ngày 1/12/2012.

Do có sẵn dữ liệu phát thải hàng năm đã được xác định từ giai đoạn I nên hạn ngạch cho phép đã giảm trong giai đoạn 2, dựa trên lượng phát thải thực tế. Tuy nhiên do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra vào năm 2008 đã khiến lượng khí thải giảm nhiều hơn dự kiến. Điều này dẫn đến thặng dư lớn về hạn ngạch phát thải gây áp lực lớn lên giá các trong suốt giai đoạn 2. Điều này dẫn đến mức giá các-bon duy trì ở mức thấp.

– Giai đoạn III (2013-2020) là giai đoạn cải tổ khung EU ETS với sự thay đổi mạnh mẽ so với giai đoạn 1 và 2. Những thay đổi chính gồm: (i) Một mức trần phát thải duy nhất trên toàn EU thay cho hệ thống mức trần quốc gia trước đây; (ii) Đấu giá là phương thức mặc định để phân bổ hạn ngạch phát thải (thay vì phân bổ miễn phí); (iii) Quy định phân bổ hài hòa áp dụng cho hạn ngạch vẫn được cấp miễn phí; (iv) Nhiều lĩnh vực và khí đốt được bổ sung vào danh mục bắt buộc tham giai EU ETS; (v) 300 triệu hạn ngạch được dành riêng trong Quỹ dành cho các bên mới tham gia (NER) để tài trợ cho việc triển khai các công nghệ năng lượng tái tạo, đổi mới cũng như thu hồi và lưu trữ các-bon thông qua chương trình NER 300.

Thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải của Liên minh châu ÂU (EU ETS) đã phát triển mạnh mẽ ngay từ đầu. Trong giai đoạn 1, khối lượng giao dịch đã tăng từ 321 triệu giấy phép năm 2005 lên 1,1 tỷ năm 2006 và 2,1 tỷ năm 2007. EU ETS vẫn là động lực chính của thị trường các-bon quốc tế trong giai đoạn 2. Ví dụ, năm 2010, giao dịch trên EU ETS chiếm 84% giá trị của tổng thị trường các-bon toàn cầu. Khối lượng giao dịch đã tăng từ 3,1 tỷ năm 2008 lên 6,3 tỷ năm 2009 và năm 2012, 7,9 tỷ tín chỉ các-bon đã được giao dịch với tổng trị giá 56 tỷ EURO.

Theo báo cáo Thị trường các-bon năm 2023 của Sàn giao dịch chứng khoán London, giá trị giao dịch trên EU ETS đạt mức 770 tỷ EUR), chiếm 87% tổng giá trị thị trường các-bon toàn cầu và tăng 2% so với năm 2022.

3.2. Kinh nghiệm của Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc, thị trường các-bon (ETS) đã được xây dựng, sử dụng hệ thống hạn mức và thương mại bắt buộc. Thị trường các-bon của Hàn Quốc (K-ETS) được xem là hệ thống đầu tiên được thiết lập tại một quốc gia không thuộc Phụ lục I, Nghị định thư Kyoto (các quốc gia phát triển bắt buộc phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính so với mức phát thải năm 1990).

K-ETS được thiết kế và vận hành qua 3 giai đoạn chính, cụ thể như sau:

– Giai đoạn I: Giai đoạn thí điểm được thực hiện từ năm 2015 đến năm 2017, với sự tham gia của 23 phân ngành từ 6 lĩnh vực gồm: Điện; Công nghiệp (sắt thép, hóa dầu, xi măng, lọc dầu, kim loại màu, giấy, dệt may, máy móc, khai thác mỏ, thủy tinh và gốm sứ,…); Tòa nhà; Lĩnh vực công; Chất thải và Giao thông vận tải (hàng không). Hạn mức phát thải được thiết lập dựa trên mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia cũng như tiềm năng giảm nhẹ của ngành. Đơn vị phân bổ hạn ngạch của Hàn Quốc (KAU) đã phân bổ miễn phí 100% cho các lĩnh vực tam gia trong giai đoạn 1. Việc phân bổ hạn ngạch phát thải được thực hiện dựa trên quy mô phát thải, ngoại trừ nhà máy sản xuất clinker, nhà máy lọc dầu và hàng không được phân bổ dựa trên định mức.

– Giai đoạn 2 từ năm 2018-2020, việc phân bổ dựa trên định mức đã được mở rộng thành 8 lĩnh vực và áp dụng hình thức đấu giá. Việc đấu giá dự kiến bắt đầu vào năm 2018 nhưng quá trình này đã bị trì hoãn đến tháng 1 năm 2019 với khoảng 3% lượng tín chỉ các-bon hay hạn mức phát thải. Vì vậy, tỷ trọng hạn mức phát thải được phân bổ theo hình thực đấu giá còn rất thấp.

– Giai đoạn 3 từ năm 2021 đến năm 2025 với mục tiêu tăng tỉ lệ đấu giá lên trên 10 %, đồng thời tăng tính linh hoạt trong việc sử dụng tín chỉ các-bon và cho phép các bên thứ ba thực hiện buôn bán trên thị trường. Điều này đã giúp hạn chế các vấn đề về tính thanh khoản của thị trường, giá các-bon cao và sự can thiệp thị trường thường xuyên xảy ra trong giai đoạn 1-2.

Đối với K-ETS, việc sử dụng các tín chỉ bù trừ (offset credits) các-bon có thể chiếm tới 10% tổng hạn mức của các bên tham gia thị trường. Trong Giai đoạn I, điều này chỉ giới hạn ở các dự án tạo tín chỉ bù trừ trong nước, từ Giai đoạn II trở đi, các tín chỉ từ các dự án CDM quốc tế cũng được cho phép sử dụng nếu chúng được phát triển bởi các công ty trong nước. Mặc dù các bên tham gia K-ETS có quan tâm đến việc sử dụng các tín chỉ, nhưng sự sẵn có của các tín chỉ bù trừ trong nước là một yếu tố hạn chế, do thiếu sự ưu đãi và quan tâm từ phía Chính phủ dành cho các nhà phát triển dự án trong nước.

Một yếu tố thành công của K- ETS là cách tiếp cận theo từng giai đoạn, với năng lực và tham vọng ngày càng tăng cũng như tăng cường, bổ sung dần các quy tắc theo thời gian, kết hợp với việc sử dụng kế hoạch tổng thể hay lộ trình rõ ràng để phác thảo các mục tiêu khác nhau của các giai đoạn khác nhau của thị trường gắn với các mục tiêu dài hạn về xây dựng nền kinh tế xanh. Điều này đã tạo ra một cơ sở hạ tầng dữ liệu đầy đủ và nâng cao năng lực tham gia thị trường của các bên liên quan khác nhau.

K-ETS là một hệ thống có nhiều điều khoản linh hoạt và kiểm soát giá/chi phí khác nhau để giải quyết các vấn đề về khả năng cạnh tranh. Điều này có thể giảm chi phí cho những người tham gia, nhưng hệ thống cũng có tính phức tạp, tăng chi phí quản lý và nhu cầu xây dựng năng lực. Ngoài ra, điều này đã ảnh hưởng đến giá các-bon và tính thanh khoản của thị trường, có khả năng dẫn đến việc giảm (hoặc trì hoãn) việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu. Thách thức chính của KETS là mức thanh khoản còn thấp, điều này đã ảnh hưởng đến cả mức giá và biến động giá. Các bên tham gia thị trường tương đối ít, kết hợp với những hạn chế nghiêm ngặt đối với những người có thể tham gia vào thị trường đã dẫn đến khối lượng giao dịch thấp, giá cao và khó dự đoán.

Tổng lượng các-bon giao dịch trên K-ETS năm 2022 đạt 589,3 triệu tấn CO2 tương đương với giá mức giá trung bình 17,99 USD (thông qua đấu giá) và 15,97 USD (thông qua thị trường thứ cấp). Tổng giá trị giao dịch trên K-ETS năm 2022 đạt 245,4 triệu USD và tổng giá trị thị trường tích lũy kể từ năm 2017 đạt 845,2 triệu USD.

3.3. Kinh nghiệm của Trung Quốc:

Khi các quy định về thị trường các-bon của Nghị định thư Kyoto được công bố, kể từ năm 2011 Trung Quốc bắt đầu thiết lập thí điểm tại các địa phương. Đến năm 2013 và 2014, 7 thị trường các-bon (ETS) được thử nghiệm tại 5 thành phố và 2 tỉnh với trung bình khoảng 57 triệu tấn các-bon được giao dịch.

Thị trường ETS thử nghiệm tại các địa phương gắn với việc thiết lập sàn giao dịch tín chỉ giảm phát thải khí thải tại địa phương. Tất cả 7 thị trường thử nghiệm đặt mục tiêu giảm phát thải ở các nhà máy khoảng 15-20%. Đến năm 2021, Trung Quốc đã triển khai ETS quốc gia đối với ngành Điện hay nói cách khác phân bố hạn ngạch phát thải cho các nhà máy sản xuất điện đã được thực hiện, hạn ngạch phát thải này vì vậy được mua bán, trao đổi trên ETS quốc gia.

Thị trường ETS của Trung Quốc hoạt động dựa trên cơ chế mức trần và giao dịch phát thải. Tính toán và phân bổ hạn ngạch phát thải hay tín chỉ các-bon là vấn đề quan trọng đối với thị trường các-bon nhằm đảm bảo giá các-bon ở mức giá phải chăng, phù hợp với khả năng của doanh nghiệp. Theo đó, Trung Quốc điều chỉnh quyền phát thải dựa trên sản lượng sản xuất hay tổng lượng phát sinh khí thải hàng năm. Đặc biệt, Trung Quốc đã cung cấp hạn ngạch một cách linh hoạt dựa trên mức hoạt động bình thường – phụ thuộc vào tình hình hoạt động của các doanh nghiệp hàng đầu trong từng lĩnh vực. Đồng thời, Trung Quốc đã áp dụng kinh nghiệm từ thị trường các-bon của châu Âu khi thiết lập Quỹ dự trữ thị trường để mua quyền phát thải trong trường hợp có sự dư thừa và bán quyền phát thải khi thị trường xảy ra tình trạng thiếu hụt quyền phát thải nhằm điều tiết giá tín chỉ các-bon giao dịch trên thị trường.

Khi triển khai ETS quốc gia, Trung Quốc phân bổ hạn mức miễn phí dựa trên định mức của 4 loại nhà máy: nhà máy điện than dưới 300 MW, nhà máy điện than trên 300 MW, nhà máy điện than mới và nhà máy điện khí thiên nhiên. Đấu giá hạn mức cũng đã thực hiện bên cạnh việc phân bổ hạn ngạch miễn phí. Trung Quốc cũng đã thiết lập các điều khoản linh hoạt và cơ chế hỗ trợ cho phép người tham gia lưu trữ tín chỉ giảm phát thải trong các ngân hàng các-bon để sử dụng trong tương lai. Cơ chế đo đạc- báo cáo-thâm tra (MRV) của Trung Quốc được đánh giá rất thành công với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới và Chính phủ trung ương.

Đến cuối năm 2023, giá trung bình tín chỉ các-bon hay tín chỉ giảm phát thải trên ETS của Trung Quốc đạt mức trung bình khoảng 11,19 USD với giá trị giao dịch đạt khoảng 2,7 tỷ USD.

4. Một số khuyến nghị chính sách về phát triển thị trường các-bon ở Việt Nam

Từ hiện trạng phát triển thị trường các-bon trên thế giới cũng như kinh nghiệm của Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc trong xây dựng và vận hành thị trường các-bon (ETS), có thể đưa ra một số khuyến nghị chinh sách sau đây:

Thứ nhất, để thị trường các-bon (cả thị trường tuân thủ và thị trường tự nguyện) cần có lộ trình phát triển theo từng giai đoạn. Cả 03 ETS của EU, Hàn Quốc và Trung Quốc đều có giai đoạn thử nghiệm trước khi mở rộng cả quy mô và đối tượng tham gia. Giai đoạn đầu nên áp dụng bắt buộc đối với các lĩnh vực, cơ sở phát thải lớn tham gia thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải hay tín chỉ phát thải khí nhà kính. Ở giai đoạn đầu hạn mức phát thải nên được phân bổ miễn phí và có lộ trình chuyển sang hình thức đầu giá quyền phát thải.

Thứ hai, để thị trường các-bon vận hành hiệu quả cần phải xây dựng đồng thời 4 trụ cột (1. Hàng hóa hay tín chỉ các-bon hay hạn mức phát thải; 2. Bên mua và bán tín chỉ- các cơ sở, doanh nghiệp có hạn mức phát thải được phân bổ cũng như các bên tạo lập tín chỉ các-bon khác; 3. Tổ chức và cấu trúc thị trường- Thị trường tuân thủ và thị trường tự nguyện; 4. Hệ thống giám sát, quản lý thị trường). Trong đó cần ưu tiên hình thành hàng hóa với các quy định, tiêu chuẩn cụ thể vì giao dịch trên thị trường các-bon là một loại hình hàng hóa đặc biệt, mới mẻ…

Thứ ba, để thị trường các-bon ở Việt Nam phát triển theo lộ trình đã đề ra trong Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 07/1/2022 Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Đối với, thị trường tuân thủ sẽ được thử nghiệm trong giai đoạn 2025-2027 cần ưu tiên phân bổ miễn phí hạn ngạch phát thải cho một số lĩnh vực, cơ sở phát thải lớn để họ có thể triển khai việc trao đổi, làm quen với các quy định của thị trường. Đối với thị trường tự nguyện, cần có các quy định về MRV, tỷ trọng tín chỉ được tham gia trao đổi, giao dịch trên thị trường tuân thuẩn.

Thứ ba, bên cạnh việc chuẩn bị khung pháp lý để thị trường các-bon đi vào vận hành thử nghiệm vào năm 2025, Việt Nam cũng cần triển khai các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về cấu trúc và cơ chế vận hành thị trường các-bon trong nước cũng như có nâng cao hiểu biết cho các bên liên quan về tầm quan trọng của thị trường các-bon trong việc huy động nguồn lực thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Thứ bốn, giá các-bon tại các ETS trên thế giới có sự khác biết rất lớn vì vậy khi tham chiếu giá Việt Nam cần phải xem xét nhiều khía cạnh như công nghệ của các doanh nghiệp, khả năng tài chính để chuyển đổi công nghệ ít phát thải, tác động về xã hội và môi trường… để thị trường có thể vận hành thuận lợi, đặc biệt là giai đoạn đầu. Huy động nguồn lực tài chính từ thị trường các-bon cho các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính không phải là duy nhất, trường hợp K-ETS của Hàn Quốc dù được vận hành từ 2015 nhưng đến năm 2022 mới có tổng giá trị giao dịch hơn 800 triệu USD.

Thứ năm, để đảm bảo thị trường các-bon vận hành ổn định, Chính phủ cần thiết lập quỹ dự trữ tín chỉ các-bon để có thể mua vào khi nguồn cung vượt quá nhu cầu và bán ra khi nhu cầu cao hơn khả năng cung cấp của thị trường nhằm ổn định giá cũng như lượng tín chỉ các-bon được giao dịch.

Tác giả :

Nguyễn Sỹ Linh, Nguyễn Thị Thu Hà và Lê Nam 

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tiếng Việt

  • Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 (Luật số 72/2020/QH14).
  • Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 quy định về giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.
  • Thủ tướng Chính phủ (2022). Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 (Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26 tháng 7 năm 2022)
  • Chính phủ Việt Nam (2020). Đóng góp do quốc gia tự quyết định (bản cập nhật)
  • Nguyễn Văn Minh, 2023. Xây dựng đề án phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam. Tạp chí Môi trường, số 10/2023
  • Nguyễn Văn Minh, 2023. Giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam. Tạp chí Môi trường, số 11/2023

Tiếng Anh

  • OECD, 2023. Effective Carbon Rates 2023- Pricing Greenhouse Gas Emissions through Taxes and Emissions Trading
  • EU Emissions Trading System (EU ETS), 2021. Development of EU ETS (2005-2020)
  • International Carbon Action Partnership (ICAP), 2023. Korea Emissions Trading Scheme (https://icapcarbonaction.com/en/ets/korea-emissions-trading-scheme).
  • International Carbon Action Partnership (ICAP), 2022. China National ETS (https://icapcarbonaction.com/en/ets/china-national-ets)
  • London Stock Exchange Group, 2023. LSEG Voluntary Carbon Market Monthly Insights – Oct 2023

Follow us to know more!!!

TIN TỨC ESG